Đầu tư in nhanh cần những máy móc gì?

×

MENU

Đầu tư in nhanh cần những máy móc gì?


Nhiều anh em khi muốn đầu tư mở in nhanh kỹ thuật số thường rất đau đầu trong việc tìm kiếm, lựa chọn các máy móc, thiết bị phù hợp sao cho vừa túi tiền, vừa sản xuất hiệu quả. Thường vấn đề mà anh em hay gặp phải là mặt bằng nhỏ, thiếu điện ba pha, hoặc không có người biết sử dụng, hoặc không biết để làm ra một sản phẩm cần mua những máy móc nào.

1. IN NHANH CẦN ĐẦU TƯ NHỮNG MÁY GÌ?

In nhanh cần trước nhất là máy in nhanh. Hiện tại ở Việt Nam chỉ có 2 dòng máy được sử dụng nhiều nhất là Konica Minolta và Fujifilm (trước kia là FujiXerox). Mọi người có thể còn nghe nói đến Ricoh tuy nhiên dòng này đã ngưng bán ở Việt Nam do cạnh tranh không lại 2 ông kia, và một dòng máy "dữ dằn" nữa là HP Indigo, tuy nhiên ta có thể bỏ qua HP Indigo vì lý do đầu tiên là giá máy và giá thành sản xuất quá đắt không phù hợp cho thị trường in nhanh kỹ thuật số tại Việt Nam (mặc dù đây là dòng máy cho chất lượng in cao nhất và tích hợp nhiều công nghệ nhất).

Còn những máy in được quảng cáo vài chục triệu? Hay máy in phun Epson, Canon thì sao? Xin hãy bỏ qua vì những máy đó không thể sử dụng cho in nhanh kỹ thuật số.

Khi lựa chọn máy in nhanh, chúng ta lại đối mặt với câu hỏi tiếp theo: mua máy mới của hãng hay máy cũ? Máy mới thì nhiều tiền nhưng bù lại vì nó mới nên ít hỏng vặt, lại được ký hợp đồng dịch vụ với hãng (hay gọi là ký hợp đồng click-charged), theo đó hãng sẽ lo phần bảo trì sửa chữa lẫn thay thế vật tư, cung cấp mực (hết mực cứ alo hãng đem tới), phần mình chỉ in và trả tiền tính theo bản in hàng tháng khỏi lo nghĩ việc sửa máy hay mua mực, mua phụ tùng. 

Còn về máy cũ? Máy cũ thì được cái ít tiền, dễ đầu tư hơn, chi phí bản in nhiều khi thấp hơn, lại có nhiều chỗ bán hơn. Nhược điểm là phải tự mua mực, tự mua vật tư thay, hư tự sửa hoặc nhờ bên bán máy hỗ trợ sửa chữa. Ngoài ra mua máy cũ dễ dẫn đến rủi ro có những hỏng hóc không thể sửa chữa được, thiếu mực, thiếu vật tư, hoặc người bán bỏ của chạy lấy người.

 

Konica C6085

Máy in màu Konica Minolta C6085

 

Bài toán đầu tư máy in cũ hay mới tùy điều kiện, tùy lượng hàng và tùy hoàn cảnh mà anh em có sự lựa chọn khác nhau. Tuy nhiên, ai cũng sẽ phải mua máy mới nếu muốn phát triển, máy cũ đến một lúc nào đó sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu sản xuất.

Sau máy in nhanh, máy tiếp theo cần mua là máy cắt giấy.

2. MÁY CẮT GIẤY NÀO PHÙ HỢP CHO IN NHANH?

Hạn chế thường gặp nhất khi mở in nhanh là mặt bằng, vì in nhanh thường mở ở nơi trung tâm thành phố, mặt bằng nhỏ hẹp. Ngoài ra, máy in nhanh chỉ in khổ tối đa là 33x48cm, nên máy cắt cần lựa chọn loại nhỏ, thông thường có những khổ sau sẽ phù hợp: 45, 48, 61, 68, 72. Tuy nhiên nếu mặt bằng lớn thì đầu tư khổ 68 trở lên vẫn tốt hơn vì có thể kết hợp vừa cắt thành phẩm, vừa để xả giấy (khổ giấy lớn thông dụng hay mua là 65x86cm). Đầu tư được con 1m13 thì hết nước chấm, vì nó xả được cả khổ giấy 79x109 :D

Ngoài vấn đề khổ cắt, cần lưu ý thêm về nguồn điện. Đa số máy cắt đều sử dụng điện ba pha, chỉ một vài dòng như Horizon APC-45 hoặc các máy Trung Quốc là sử dụng điện một pha dân dụng.

Mua máy Nhật cũ hay máy Trung Quốc mới? Tùy vào lựa chọn mỗi người. Máy Nhật thì bền, dùng 5-7 năm không sao, bán lại vẫn không mất giá nhiều. Máy Trung Quốc thì mới, nhiều chức năng, lập trình ào ào nhưng mau tã, dùng tầm 1-2 năm đã bắt đầu có hiện tượng cắt không chính xác, thanh lý khó khăn hơn.

 

Horizon APC45

Máy cắt giấy Horizon APC-45

3. CẦN NHỮNG MÁY THÀNH PHẨM NÀO CHO IN NH

ANH KỸ THUẬT SỐ?

Mua máy gì phụ thuộc vào việc bạn in sản phẩm gì. Tuy nhiên, có những máy sau nhất thiết phải đầu tư:

a. Máy cán màng nhiệt khổ nhỏ: cán danh thiếp, tem nhãn decal, bìa catalog, tờ gấp, menu quán ăn,....

b. Máy đóng ghim 1 đầu: dùng đóng ghim catalog, tập, biên nhận phiếu thu chi các loại

c. Máy cấn đường gấp: dùng cấn gấp thiệp mời, bìa catalog, bìa sách, tờ gấp,...

d. Máy bồi keo và máy cán nguội: dùng bồi giấy, bồi bìa cứng làm menu, kỷ yếu, album, bồi thẻ treo, thẻ bài,...

e. Máy đục lỗ lò xo: dùng làm sổ lò xo, lịch để bàn, đóng lò xo menu, catalog

f. Máy bế đặt tay (máy bế ngáp): dùng bế bao thư, tem nhãn, hộp giấy, các sản phẩm cần cấn bế

g. Máy khoan lỗ giấy: dùng khoan lỗ thẻ treo, bìa còng, khoan lỗ bìa cứng khi làm menu bìa cứng, catalog cao cấp,... Lưu ý là không thể mua máy khoan sắt dùng cho bọn làm cơ khí để khoan lỗ giấy được, vì mũi khoan giấy là loại mũi khoan đặc biệt hình trụ rỗng để có thể thoát phoi khi khoan.

h. Máy vào bìa keo gáy: dùng đóng bìa sách, bìa catalog. kỷ yếu,..

i. Máy khâu chỉ ruột sách: phải có máy này nếu nhận đơn hàng catalog in giấy couche vào bìa keo hoặc vào bìa cứng.

j. Máy bế tem nhãn decal Graphtec: dùng bế tem nhãn decal in nhanh, số lượng ít vì không cần làm khuôn, in xong cho lên máy bế ngay lấy liền.

k. Máy bo góc giấy: dùng bo góc danh thiếp, thẻ treo, thiệp mời, sổ tay,...

l. Máy ép kim, ép nhũ mini: dùng ép nhũ các đơn hàng số lượng ít, ép kim namecard, thiệp mời, thiệp cưới.

zalo