Công nghệ ép nhũ nóng và cấu trúc màng nhũ nóng

×

MENU

Công nghệ ép nhũ nóng và cấu trúc màng nhũ nóng


Để tạo ra được những sản phẩm bao bì thương hiệu chất lượng cao, sang trọng thì không thể bỏ qua công đoạn ép nhũ. Quá trình này thường áp dụng trong việc tạo ra các sản phẩm in ấn, bao bì, và các sản phẩm có yêu cầu đặc biệt về tính thẩm mỹ. Từ những sản phẩm chất lượng cao sẽ giúp giá trị thương hiệu được nâng cao. Cùng An Nhân tìm hiểu công nghệ ép nhũ nóng và cấu trúc của màng nhũ nóng thông qua bài viết dưới đây.

nhu_seo2

Công nghệ ép nhũ nóng

Công nghệ ép nhũ nóng là một quy trình thành phẩm sau in được sử dụng để tạo ra các sản phẩm có bề mặt nhẵn, bóng và đẹp mắt, nâng cao tính thẩm mỹ cho sản phẩm.  Ép nhũ nóng là việc sử dụng nhiệt để ép giấy kim loại lên bề mặt của sản phẩm, dựa trên các hình ảnh hay dòng chữ đã được thiết kế từ trước. 

Việc sử dụng các cuộn nhũ có lớp màng nhũ thay cho mực in giúp bạn dễ dàng thay đổi một màu nhũ một cách nhanh chóng bằng việc thay cuộn nhũ khác. 

Quy trình ép nhũ nóng thường diễn ra theo một số bước cơ bản dưới đây:                        

Bước 1: Dán khuôn ép lên bàn dập trên

Bước 2: Dán tay kê lên bàn dập dưới

Bước 3: Lót ống

Bước 4: Chỉnh bộ phận căng nhũ

Bước 5: Chọn chế độ ép

Bước 6: Chỉnh sửa, ép thử

Bước 7: Ép sản lượng

Tuy nhiên khi áp dụng công nghệ ép nhũ nóng có nhược điểm lớn đó là không gia công được trên các chất liệu có khả năng chịu nhiệt kém.

nhu_seo1

Cấu trúc màng nhũ nóng

Đối với công nghệ ép nhũ nóng thì lớp màng nhũ ở dạng khô có tuổi thọ trung bình thấp nhất là 1 năm nếu bảo quản ở điều kiện bình thường. 

Cấu trúc của màng nhũ theo hướng từ khuôn ép nhũ xuống vật liệu cần ép bao gồm các lớp:

  • Lớp màng dẫn (Carrier layer)
  • Lớp tách dính (Release layer)
  • Lớp phủ lacquer hoặc màu bề mặt (top lacquer or color coat)
  • Lớp kim loại (Metallization)
  • Lớp keo (Adhesive layer)

Lớp màng dẫn (Carrier layer)

Lớp màng dẫn hay còn gọi là lớp đế có nhiệm vụ mang nhũ trong suốt quá trình ép nhũ. 

Hiện nay, lớp màng dẫn này dùng thường là màng polyester bởi một số đặc trưng nổi bật của nó như: 

  • Độ bền cơ học tốt
  • Ổn định trong điều kiện nhiệt độ cao và kích thước ổn định
  • Chịu được dung môi
  • Độ trong suốt cao

Tùy vào từng loại sản phẩm và ứng dụng khác nhau mà độ dày của lớp đế này thay đổi cho phù hợp. Thông thường lớp này có độ dày thấp nhất từ 12µm lên đến 19µm hoặc có thể lớn hơn trong những trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, trong sản xuất màng nhũ chuyển nhiệt, lớp đế này thường có độ dày mỏng hơn 12µm. 

Lớp tách dính (Release layer)

Lớp nhũ có đồng đều và bền hay không, hình ảnh ép nhũ xong có sắc nét hay không phụ thuộc phần lớn vào lớp tách dính của màng nhũ. Lớp tách dính có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tách dính của nhũ, khả năng in và tráng phủ lên trên bề mặt.

Thành phần cấu tạo nên lớp tách dính thường là sáp và nhựa hòa tan, có độ dày mỏng dưới 0.01µm và được phân bổ đều trên bề mặt của màng nhũ.

Lớp phủ lacquer hoặc màu bề mặt (top lacquer or color coat)

Lớp này cũng quan trọng không kém trong cấu trúc của màng nhũ, có chức năng tạo màu sắc của nhũ nhờ các hạt màu (pigments) hoặc bột nhuộm (dyes) hòa tan. Bên cạnh đó, nó giúp tạo độ bóng bằng chất phụ gia bóng và có khả năng chịu được tác động cơ học, hóa học và chịu nhiệt cao. 

nhu_seo3

Lớp kim loại (Metallization)

Thông thường kim loại được dùng cho lớp kim loại của màng nhũ trong ngành in là nhôm. Ngoài ra tùy vào loại màng cũng như ứng dụng mà có một số kim loại phù hợp khác như crom, bạc, vàng, đồng hoặc một số loại muối kim loại có tính năng quang học. 

Lớp keo (Adhesive layer)

Độ dày của lớp keo này tùy thuộc vào loại vật liệu in mà màng nhũ sẽ ép lên, thông thường khoảng 0,5µm đến 5µm. 

Lớp keo có nhiệm vụ tạo độ bám dính chặt chẽ cho các lớp nhũ được ép lên bề mặt vật liệu in. Nó là hỗn hợp của nhựa keo, sáp và một số chất phụ gia đông đặc ở  nhiệt độ nhất định.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về công nghệ ép nhũ nóng cũng như cấu trúc của màng nhũ, hy vọng sẽ mang đến cho quý khách hàng những thông tin bổ ích.

zalo